THÔNG CÁO BÁO CHÍ HỘI NGHỊ CTV BÁO CHÍ HƯỞNG ỨNG TUẦN LỄ "DINH DƯỠNG VÀ PHÁT TRIỂN"  
Quay lại Bản in Yahoo
Cỡ chữ
Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020, hưởng ứng ngày Lương thực Thế giới (16/10), Bộ Y tế phát động chiến dịch truyền thông Tuần lễ “Dinh dưỡng và Phát triển” từ ngày 16 đến 23 tháng 10 năm 2016 với chủ đề:”Bữa ăn đa dạng đảm bảo đủ dinh dưỡng, hợp lý, an toàn cho gia đình trong tình hình biến đổi khí hậu”.
Biến đổi khí hậu và an ninh thực phẩm (ANTP):
Sau 30 năm đất nước đổi mới, sản xuất lương thực thực phẩm (LTTP) ở nước ta đã có bước phát triển nhanh. Việt Nam đã xác định đảm bảo được ANLT Quốc gia. Hiện nay, chúng ta đã liên tục xuất khẩu gạo với khối lượng lớn và dự kiến năm 2016 xuất khẩu 5,7 triệu tấn. Tuy nhiên, nước ta còn chưa có được an ninh thực phẩm (ANTP) hộ gia đình và cá thể, nhất là an ninh dinh dưỡng (ANDD) và vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Sản xuất, dự trữ và phân phối lưu thông LTTP còn gặp những trở ngại lớn. Khi thiên tai xảy ra, bên cạnh những tổn thất rất nặng nề về người và của, nhiều vùng, nhiều người đã lâm vào cảnh bị cô lập, bị đói, bị bệnh tật và suy dinh dưỡng. Ở những vùng thường xuyên bị thảm họa thiên tai, vùng sâu, vùng xa như miền núi phía Bắc, ven biển miền Trung, vùng Tây nguyên. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, đến hết tháng 8/2016, thiên tai, bão lũ gây thiệt hại gần 8,7 nghìn tỷ đồng. Thiệt hại về người và của như sau: đã có 90 người chết, mất tích và 223 người bị thương; hơn 1,6 nghìn ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi và 81,8 nghìn ngôi nhà bị sạt lở, tốc mái; 200,3 nghìn ha hoa màu và 18,8 nghìn ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng; 36 nghìn con gia súc, 198 nghìn gia cầm và hơn 854 tấn thủy sản các loại bị chết. Chỉ riêng tháng 8 có 3 cơn bão đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống dân cư, đặc biệt các tỉnh Đồng bằng Sông hồng, Trung du và Miền núi phía Bắc. Đối với những địa phương chịu ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu thì khả năng tiếp cận với thực phẩm cần thiết trở thành nỗi lo canh cánh của mỗi người, mỗi nhà. Hậu quả trước mắt là trẻ em dễ bị suy dinh dưỡng (SDD), luôn bị đe dọa bởi bệnh tật và tử vong. Nếu may mắn thoát khỏi SDD, thì tương lai của những trẻ này cũng sẽ vẫn bị đe dọa do không thể phát huy hết tiềm năng phát triển về tầm vóc thể lực cũng như trí tuệ, dẫn đến học vấn thấp, khả năng lao động cống hiến cho gia đình và xã hội sẽ giảm, đồng thời lại có nguy cơ mắc nhiều bệnh mạn tính không lây khi trưởng thành và có thể ảnh hưởng tới thế hệ sau.
Ảnh hưởng của ANTP tới tình trạng dinh dưỡng trẻ em
Trẻ em là tương lai của đất nước, bảo vệ, chăm sóc trẻ em là trách nhiệm của Nhà nước, cộng đồng và gia đình. Đầu tư cho công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em  đóng vai trò quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững và là chỉ số đo lường về sự phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước.
Năm 2015, ước tính hộ nghèo trong cả nước còn dưới 5% (5,97% năm 2014) theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015. Bên cạnh những kết quả đạt được, thì vẫn tồn tại giảm nghèo chưa vững chắc, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Mặc dù tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, nhưng nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt còn trên 60 - 70%. Số hộ nghèo là người dân tộc thiểu số chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước, thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước. 
Nghèo đói và thiếu kiến thức là 2 nguyên nhân của suy dinh dưỡng trẻ em ở nước ta. Nguyên nhân trực tiếp là do khẩu phần ăn (thiếu cả về số lượng và mất cân đối về chất lượng), bệnh tật và các yếu tố về chăm sóc; mà nguyên nhân gốc dễ là sự nghèo đói. Sự chênh lệch về giàu-nghèo giữa các vùng, các nhóm dân cư, các khu vực là nguyên nhân của tình trạng chênh lệch về suy dinh dưỡng. Theo số liệu năm 2015, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị SDD thấp còi là 24,6%, thể nhẹ cân là 14,1%. Tỷ lệ SDD vẫn tập trung cao ở những nơi khó khăn như Tây Nguyên, Trung du và miền núi phía Bắc với tỷ lệ SDD thấp còi tương ứng là 34,2% và 30,3%, nhẹ cân là 21,6% và 19,5%. Tỷ lệ SDD thể thấp còi, nhẹ cân ở khu vực nông thôn; đặc biệt là các xã nghèo đều cao hơn so với khu vực thành thị. Nhiều bà mẹ trước khi sinh con, trước khi lập gia đình chưa được trang bị kiến thức về dinh dưỡng như: chăm sóc bà mẹ có thai dẫn đến trẻ bị SDD bào thai; nuôi con bằng sữa mẹ, cho trẻ ăn bổ sung, theo dõi sự phát triển của trẻ,...dẫn đến thực hành dinh dưỡng không đúng, chăm sóc con chưa đúng khoa học dẫn đến SDD...
Phát triển VAC giúp tăng thu nhập, cải thiện chất lượng bữa ăn và nâng cao chất lượng sống của gia đình
Để đảm bảo ANLT, ANDD hộ gia đình góp phần giảm đói nghèo, nâng cao tình trạng dinh dưỡng cho người Việt Nam cần phải phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp để hướng dẫn người dân về k‎ỹ thuật canh tác phù hợp, phát triển VAC gia đình, đưa giống mới, kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi, chuyển đổi mô hình canh tác truyền thống phù hợp, nhất là thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu, bảo quản và chế biến sản phẩm sau thu hoạch tạo nguồn thực phẩm an toàn, giàu dinh dưỡng nhằm đảm bảo ANLT, cải thiện chất lượng bữa ăn, góp phần tăng thu nhập cho gia đình và nâng cao chất lượng cuộc sống, gắn liền với ý thức giữ gìn bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Đưa giống mới, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi hợp l‎ý tới từng hộ gia đình. Đặc biệt quan tâm tới các hộ gia đình ở những vùng khó khăn, vùng thường xảy ra thiên tai, lụt bão. 
Hướng dẫn người dân về quy trình sản xuất, quy trình canh tác, hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật: thuốc trừ sâu, phân bón,...để tạo ra nguồn lương thực, thực phẩm đảm bảo an toàn cho người sử dụng, đồng thời bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng cũng như người sản xuất. Tăng cường tuyên truyền về ý thức trách nhiệm, đạo đức kinh doanh, chế biến lương thực và thực phẩm phải gắn liền với ý thức đảm bảo sức khỏe người dân, sức khỏe cộng đồng.


Hưởng ứng ngày Lương thực Thế giới (16/10), Bộ Y tế phát động Tuần lễ “Dinh dưỡng và Phát triển” từ ngày 16 đến 23 tháng 10 năm 2016 theo công văn số 6756/BYT-DP ký ngày 12 tháng 09 năm 2016 gửi Sở Y tế 63 tỉnh/ thành phố và các Viện khu vực chỉ đạo công tác tổ các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ “Dinh dưỡng và Phát triển”. Thông điệp chính Bộ Y tế - Viện Dinh dưỡng đưa ra trong chiến dịch truyền thông năm nay là: “Bữa ăn đa dạng đảm bảo đủ dinh dưỡng, hợp lý, an toàn cho gia đình trong tình hình biến đổi khí hậu’’. 
Viện Dinh dưỡng đã có công văn số 549/VDD – GDTT ký ngày 12 tháng 09 năm 2016 hướng dẫn tổ chức triển khai các hoạt động cho Tuần lễ "Dinh dưỡng và phát triển" gửi tới các địa phương. Theo đó, hoạt động truyền thông tập trung vào các nội dung như sau: Nâng cao kiến thức, thực hành dinh dưỡng cho người dân trong việc lựa chọn,  chế biến và sử dụng đa dạng nguồn thực phẩm an toàn, sẵn có tại gia đình, địa phương, tổ chức bữa ăn gia đình đảm bảo đủ dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm, dinh dưỡng lành mạnh và tăng cường hoạt động thể lực phòng chống thừa cân béo phì...;Phối hợp chặt chẽ với ngành Nông nghiệp để chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao nhận thức của người dân về hậu quả của biến đổi khí hậu, thay đổi cơ cấu cây trồng, kỹ thuật thâm canh, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản để thích ứng với tình hình mới; Hướng dẫn, vận động, khuyến khích người dân chủ động phát triển VAC gia đình gắn liền với ý thức giữ gìn bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; Tăng cường các hoạt động truyền thông bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. 

Thông điệp truyền thông Tuần lễ “Dinh dưỡng và Phát triển”

Bữa ăn đa dạng đảm bảo đủ dinh dưỡng, hợp lý, an toàn cho gia đình trong tình hình biến đổi khí hậu.
- Đảm bảo cho các hộ gia đình tiếp cận bền vững với lương thực thực phẩm cần thiết, bổ dưỡng và an toàn.
- Cung cấp lương thực thực phẩm thường xuyên, liên tục, ổn định và bền vững cho các hộ gia đình.
- Chủ động phát triển VAC để tăng thu nhập, tạo nguồn thực phẩm sạch, an toàn, giàu dinh dưỡng cho gia đình.
- Bữa ăn đa dạng từ nhiều loại thực phẩm, thay đổi cách chế biến đa dạng đảm bảo đủ dinh dưỡng, hợp lý và an toàn cho sức khỏe.
- Ăn uống hợp lý để phòng chống bệnh không lây nhiễm, suy dinh dưỡng thấp còi, nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt Nam.
- Thực hiện dinh dưỡng lành mạnh và tăng cường vận động thể lực để phòng chống thừa cân béo phì.


Gia đình và xã hội hãy chung tay chống biến đổi khí hậu, phát triển VAC
để cải thiện bữa ăn, góp phần nâng cao thể lực và tầm vóc cho người Việt Nam. 

Cập nhật: 11/10/2016
Lượt xem: 5481
Lên trên
Đánh giá dinh dưỡng
( Cho người trưởng thành )
Cân nặng
kg
Chiều cao
m
Kết quả B.M.I
Đánh giá
Mặt trời bé thơ - Viện Dinh dưỡng (NIN)
Địa chỉ: 48B, Tăng Bạt Hổ, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: (84-4) 3971 7090 - Fax : (84-4) 3971 7885 - Email: ninvietnam@viendinhduong.vn
© 2011 mattroibetho.vn. Số đăng ký 180/GP-TTĐT. Cấp ngày 10/10/2011 - Thiết kế website bởi BICWeb.vn™