KHÔNG ĐƯỢC BÚ SỮA MẸ HOÀN TOÀN TRONG 6 THÁNG ĐẦU: Khoảng 1 triệu trẻ sơ sinh chết mỗi năm...  
Quay lại Bản in Yahoo
Cỡ chữ

Tổ chức Y tế thế giới ước tính việc trẻ không được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu dẫn đến 1 triệu ca tử vong ở trẻ trên toàn thế giới/năm, mà đáng lẽ có thể tránh được. Tuy nhiên, ở VN cứ 5 trẻ sơ sinh mới có 1 trẻ được bú mẹ hoàn toàn.

Nguyên nhân của điều này một phần là do việc quảng cáo rầm rộ để bán sữa bột, do nhận thức sai lầm về khả năng nuôi con bằng sữa mẹ của bà mẹ và việc họ phải quay lại đi làm sớm trước 6 tháng đầu sau khi sinh và dừng cho con bú.

Nếu có một loại vắc xin mới có thể giúp phòng bệnh nhiễm khuẩn và tránh tử vong cho hơn 1 triệu trẻ em, chi phí thấp, an toàn, có thể uống trực tiếp và không cần bảo quản lạnh, vắc xin đó sẽ là nhu cầu cấp thiết cho cộng đồng. Nuôi con bằng sữa mẹ có thể làm tất cả những điều này và còn nhiều hơn thế.

Người bố trong việc nuôi con bằng sữa mẹ

Hiện nay, tỉ lệ trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu ở VN chưa đến 20%. Một trong những lý do khiến trẻ phải ăn dặm sớm là người mẹ chịu áp lực từ công việc, từ sinh hoạt gia đình, thậm chí bị áp đặt từ người thân. Nhưng nếu có sự hỗ trợ từ người bố, trẻ sẽ không bị thiệt thòi như thế.

Bố đi học nuôi con 

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Phú (31 tuổi) và chị Đinh Thị Hiền (27 tuổi) ở xã Quyết Thắng (huyện Thanh Hà, Hải Dương) vừa sinh cháu thứ 2 được 3 tháng. Khi đưa vợ đi sinh, theo lời mẹ nhắc, anh đã mua một hộp sữa sơ sinh, phòng khi sữa mẹ chưa về thì bé sẽ không bị đói. Đấy là anh Phú mua vậy để cho bà nội yên tâm thôi, nhưng anh và vợ đều không có ý định sẽ sử dụng.  

Chị Hiền mang thai và sinh con đúng thời gian Trường ĐH Y tế công cộng nghiên cứu mô hình khuyến khích người cha hỗ trợ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu  (với sự hỗ trợ của Trường ĐH Y tế công cộng) tại huyện Thanh Hà. Tham gia vào CLB Thực hành nuôi con bằng sữa mẹ trong nghiên cứu này, suy nghĩ của anh Phú so với thời gian sinh đứa con trước đã có sự thay đổi.

Cháu đầu tiên là Nguyễn Thành An không được bú sữa non của mẹ mà thay bằng sữa hộp, sau đó mới 4 tháng đã phải ăn sữa ngoài vì 2 anh chị đều đi làm Cty. Cả bà nội và bà ngoại đều cho rằng khi mẹ đi làm, sữa không đủ, bú không đều nên sữa sẽ chua và không đảm bảo vệ sinh, tốt nhất là tập ăn nước cháo sớm, rồi cho ăn sữa hộp. Mấy tháng đầu ăn sữa ngoài, cháu An có vẻ bụ bẫm, nhưng càng lớn lại hay đau ốm, thỉnh thoảng lại tiêu chảy nên giờ đã 6 tuổi nhưng bé lại gầy, bé nhỏ hơn so với tuổi. 

Chị Hiền cho biết: “Khi chồng tôi được mời tham gia  CLB Nuôi con bằng sữa mẹ, ban đầu anh rất ngại. Bởi sinh đẻ, nuôi con vốn được coi là chuyện của phụ nữ. Ai đời đàn ông lại đi nghe mấy chuyện này. Thế nhưng khi tham dự các buổi sinh hoạt CLB, anh bảo có lẽ 2 vợ chồng đã nuôi con không đúng cách. Anh biết được tác dụng, những điều có lợi khi cho con bú bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Mọi người cũng trao đổi cách làm thế nào để mẹ có nhiều sữa cho con bú, không phải lo thiếu sữa. Thế nên, sau một vài buổi đầu, anh Phú cũng như nhiều ông bố tham gia CLB đều hào hứng hơn đến nghe thông tin”. 

Từ ngày vợ anh đẻ đứa con trai thứ 2, ngoài việc tăng cường bồi dưỡng cho vợ, anh Phú giành hết việc đi chợ, nấu cơm, giặt giũ nếu hôm đó không có bà sang giúp: “Ở làng đây, với nhiều ông, vợ sinh con là lúc họ hay đi chơi, phó thác việc nuôi con cho vợ và mẹ. Thế nhưng lúc tôi sinh đứa thứ 2, thấy anh ấy có thái độ vui vẻ, hay trêu đùa hơn. Anh ấy giúp việc nhà, nên tôi có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn, sữa nhiều và cho cháu bú no. Lắm lúc anh ấy còn giục cho bú nữa”. 

Còn anh Phú cũng thấy việc nuôi con thực ra cũng rất nhẹ nhàng. Bé bú mẹ hoàn toàn nên đêm anh chỉ dậy lúc bé ọ ẹ đã tè hoặc ị, người khó ở; không phải thức dậy pha sữa như đứa con trước. Vợ anh được khỏe khoắn, chú tâm nuôi con được nên chị cũng vui vẻ không hay cau có, gắt gỏng, còn em bé thì chịu ăn, chịu chơi, tính tình cũng dễ chiều. Anh cho rằng khi hai vợ chồng đồng thuận cho con bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu: gia đình rất hạnh phúc, vui vẻ. 

Sau can thiệp, tỉ lệ bú mẹ tăng gấp 4 lần

Thanh Hà là một huyện thuần nông của Hải Dương. Thế nhưng tỉ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ ở đây chỉ đạt được… 4% - mức thấp hơn mặt bằng vốn đã thấp trên cả nước. Ban đầu, nghiên cứu “Khuyến khích cha hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu” của Trường ĐH Y tế công cộng được thực hiện ở huyện Chí Linh từ tháng 9.2010 - 9.1011 (dưới sự tài trợ của Quĩ Bill và Melinda Gates thông qua dự án Alive & Thrive và được điều hành bởi Đại học Davis bang California - Hoa Kỳ). 

Thử nghiệm đã nhắm tới 250 ông bố đang có vợ mang thai từ 7 - 30 tuần và tiến hành can thiệp bằng hình thức cung cấp kiến thức và thông tin, cũng như tư vấn trước và sau khi bà mẹ sinh con tại trạm y tế và tại hộ gia đình để giúp các ông bố hỗ trợ vợ nuôi con những tháng đầu đời tốt hơn. Sau nghiên cứu đã có một sự thay đổi đáng kể ở nhận thức và việc làm của các ông bố này. 

So với huyện Thanh Hà là nơi không thực hiện can thiệp, các ông bố ở Chí Linh đều có tỉ lệ cùng vợ đi khám thai, cùng tham gia các việc làm với vợ, nhắc vợ cho con bú tốt hơn, nhắc và giúp vợ cho con bú, không nhờ người khác mua sữa non hộp và sữa ngoài, và bản thân không mua sữa non hộp cho con đều cao hơn. Thậm chí, các ông bố ở Chí Linh còn có xu hướng nói cho người khác hiểu về lợi ích của sữa mẹ nhiều hơn. 

Kết quả là trẻ được bú mẹ sớm trong 1h đầu sau sinh, được bú mẹ hoàn toàn trong 4 tháng đầu ở Chí Linh cao gấp 2 lần so với Thanh Hà. Và đặc biệt, trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu ở Chí Linh đã đạt 16%, cao gấp 4 lần ở Thanh Hà và trung bình của cả Hải Dương.

“Hữu xạ tự nhiên hương”, nhận thấy hiệu quả lớn từ can thiệp này, GĐ TT Y tế huyện Thanh Hà là BS Trịnh Thị Tuyết nắm cơ hội và đề nghị Trường ĐH Y tế công cộng thực hiện mô hình tương tự. Tháng 8.2012, 240 ông bố ở 8 xã thuộc huyện Thanh Hà cũng bắt đầu đến trạm y tế học, dù trước đó họ đã có thể từng làm bố. Tháng 10 năm nay mới là thời điểm tổng kết cho can thiệp này, nhưng BS Tuyết đã thấy có những biểu hiện tích cực hơn ở các gia đình có ông bố đi học như vậy. 

Theo các bà mẹ tâm sự lại với chị, đó là cảm nhận về sự gắn bó giữa các thành viên gia đình, nền tảng tổ ấm bền vững và bớt đi nhiều hơn bạo lực gia đình. Nữ hộ sinh Hoàng Thị Thùy - trạm y tế xã Tiền Tiến (huyện Thanh Hà) - một xã cũng tham gia can thiệp cũng việc tăng tỉ lệ trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sẽ là cơ hội để xã có thể giảm ấn tượng hơn tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng cả ở thể cân nặng và chiều cao ở xã.

Con bú mẹ, cả gia đình được lợi

+ Sữa mẹ giúp trẻ chống lại bệnh tật, đồng thời tăng cường sức khỏe và thúc đẩy tăng trưởng tối ưu của trẻ. Khi đứa trẻ vừa được sinh ra, sữa mẹ chính là yếu tố miễn dịch đầu tiên giúp trẻ chống lại bệnh tật. Nuôi con bằng sữa mẹ là một trong những biện pháp để bà mẹ bảo vệ con mình khỏi nhiễm khuẩn và vi rút. Sữa bột không có đầy đủ các yếu tố cần thiết có trong sữa mẹ , bao gồm các kháng thể, các chất sinh học khác giúp bảo vệ trẻ khỏi bệnh tật.

Sữa mẹ là duy nhất và được sản sinh để đáp ứng nhu cầu của trẻ. Sữa mẹ cũng thay đổi thành phần để đáp ứng nhu cầu thay đổi của trẻ trong các cữ bú.

Những trẻ được bú mẹ ít phải đến bệnh viện hơn hoặc ít phải uống thuốc, giảm nguy cơ lây nhiễm và mắc các bệnh như tiêu chảy, viêm phổi, hen suyễn, nhiễm trùng tai, nhiễm khuẩn được hô hấp.

+ Nuôi con bằng sữa mẹ giúp giảm thiểu các chi phí tốn kém của việc cho trẻ ăn sữa công thức. 

+ Các bà mẹ cho con bú sẽ ít có nguy cơ mắc các bệnh đái tháo đường típ 2, ung thư vú, ung thư buồng trứng, loãng xương và chứng trầm cảm sau sinh. Họ cũng ít có nguy cơ bị thiếu máu, có hàm lượng oxytocin trong máu cao hơn nên có thể giảm căng thẳng. Họ cũng giảm cân hơn sau khi sinh. Cho con bú được coi là biện pháp tránh thai tốt. 

(Nguồn: Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc)

Bố làm gì để mẹ có nhiều sữa cho con bú:

- Đưa mẹ đi khám và đẻ: Khi cùng mẹ đi khám thai định kỳ, bố sẽ được cùng nghe hướng dẫn về cách chăm sóc thai nhi theo từng tháng. Khi tham gia các buổi tư vấn, họ có thể biết trước cách giải quyết khi mẹ gặp khó khăn lúc cho con bú.

- Chăm sóc sức khỏe mẹ bằng cách để người mẹ được ăn uống, nghỉ ngơi đầy đủ, không làm việc nặng. Hạn chế tối đa để người mẹ không căng thẳng và lo lắng.

- Nhắc mẹ cho con bú ngay sau khi sinh, càng sớm càng tốt trong vòng 1h sau sinh. Ban đầu, sữa non có thể ra ít nhưng đủ cả số lượng và chất dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh. Vài giọt sữa non cũng có rất nhiều kháng thể cho trẻ, quý hơn tất cả mọi sữa hộp. Người bố cần kiên nhẫn động viên mẹ cho con bú thường xuyên, ít nhất là 8 lần/1 ngày đêm. Bố có thể giúp mẹ cho con bú bằng cách  dành chỗ ngồi dựa lưng hoặc chỗ nằm rộng rãi để me ngồi hoặc nằm thoải mái cho con bú, lấy nước hoặc đồ ăn nhẹ cho mẹ.

- Bố nên chia sẻ công việc nhà với mẹ như: Đi chợ, nấu cơm, giặt giũ, trông con lớn, trông hàng… Để mẹ có sức khỏe và dành toàn tâm chăm sóc con, không bị mất sữa.  
http://laodong.com.vn/Lao-dong-cuoi-tuan/Khoang-1-
Cập nhật: 13/09/2016
Lượt xem: 26831
Lên trên
Đánh giá dinh dưỡng
( Cho người trưởng thành )
Cân nặng
kg
Chiều cao
m
Kết quả B.M.I
Đánh giá
Mặt trời bé thơ - Viện Dinh dưỡng (NIN)
Địa chỉ: 48B, Tăng Bạt Hổ, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: (84-4) 3971 7090 - Fax : (84-4) 3971 7885 - Email: ninvietnam@viendinhduong.vn
© 2011 mattroibetho.vn. Số đăng ký 180/GP-TTĐT. Cấp ngày 10/10/2011 - Thiết kế website bởi BICWeb.vn™