Ba việc mà các nước đang phát triển có thể làm tốt hơn  
Quay lại Bản in Yahoo
Cỡ chữ

Tác giả: SHAWN BAKER (The New York Times, Ngày 9/10/2013)

Quan điểm cho rằng các nguồn viện trợ của nước ngoài là một sự lãng phí về tiền bạc là hoàn toàn sai lầm. Trong bài báo trước, tôi đã đề cập đến những câu chuyện thành công khó tin mà tôi đã được mắt thấy tai nghe khi làm công việc phát triển cộng đồng tại Châu Phi trong 25 năm.

Ngày 13 tháng 9 vừa qua, UNICEF tuyên bố rằng chúng ta đang không thực hiện được những cam kết của mình, và rằng 6,6 triệu trẻ em vẫn bị chết một cách đáng tiếc trong năm 2012.

Ngày hôm nay, tôi xin viết về ba sáng kiến tại thực địa được xem là thành công trên diện rộng và sẽ giúp chúng ta giữ được những cam kết của mình.

1. Thúc đẩy Nuôi con bằng sữa mẹ

Khoảng 800.000 trẻ em bị chết mỗi năm do các thực hành nuôi con bằng sữa mẹ không phù hợp và từ năm 1995 đến năm 2010, tỉ lệ nuôi con bằng sữa mẹ không hề tăng lên mà còn giảm đi.  Điều này là không thể chấp nhận được. Nuôi con bằng sữa mẹ là một trong những cách dễ dàng nhất để cung cấp cho trẻ những dưỡng chất cần thiết và đã được chứng minh là giúp trẻ tăng chỉ số thông minh và phát triển trí tuệ. Tuy nhiên, ở một số nước như Mali và Chad, có chưa đến 10% các bà mẹ cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu. Hơn nữa, các chương trình phát triển chưa đầu tư một cách đầy đủ cho việc thúc đẩy các thực hành nuôi con bằng sữa mẹ tốt.

Đây là điều rất đáng tiếc bởi đã có rất nhiều bằng chứng về việc nuôi con bằng sữa mẹ sẽ đem lại những tác động thực sự có lợi. Ngày càng có nhiều ví dụ về các quốc gia nơi các chính khách và các sáng kiến truyền thông hỗ trợ bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ tối ưu. Ví dụ, tỉ lệ này ở Malawi đã đạt 72% hay như Dự án Alive & Thrive đã giúp cải thiện đáng kể tình trạng này ở Bangladesh và Việt Nam. Thật tuyệt khi được đến thăm một ngôi làng nơi việc nuôi con bằng sữa mẹ đã trở thành một tập quán, được nói chuyện với các bà mẹ và được ngắm nhìn những đứa trẻ lớn lên khỏe mạnh.  

2. Điều trị suy dinh dưỡng cấp tính

Một trong những quãng thời gian buồn chán nhất của tôi tại thực địa là khi tôi phải chứng kiến trận hạn hán và nạn đói mà đất nước Niger phải đối mặt giữa những năm 1980. Đã có rất nhiều nỗ lực to lớn trong việc điều trị cho trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính nhưng những nỗ lực này không bao giờ đáp ứng được hết các nhu cầu của các em.

Trong thập kỉ vừa qua, chúng ta đã được chứng kiến một cuộc cách mạng thực sự trong lĩnh vực điều trị suy dinh dưỡng cấp tính với các chiến lược mới nhằm điều trị cho trẻ em ngay tại cộng đồng và tại các trạm y tế cấp cơ sở. Một khi các tổ chức cứu trợ khẩn cấp vẫn đang hoạt động thì chính phủ các quốc gia sẽ không ngừng nâng cao năng lực cho các hệ thống y tế của nước mình. Báo cáo của Tạp chí Y khoa Lancet ước tính rằng việc nhân rộng các chương trình điều trị hiệu quả có thể cứu sống hơn 430.000 trẻ em mỗi năm. Những quốc gia như Niger đã cho thấy việc này hoàn toàn có thể thực hiện được và điều cấp bách hiện nay là cần phải hành động để các quốc gia khác cũng đi theo con đường này.

Tuy nhiên, chúng ta cần nhớ rằng việc điều trị suy dinh dưỡng chỉ là cách để chúng ta sửa chữa sai lầm. Nhưng hơn hết, chúng ta cần có những nỗ lực  nhằm ngăn chặn tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ ngay từ đầu.

3. Thủ thuật lấy lông quặm nhằm ngăn ngừa bệnh mù mắt

Hiện vẫn đang có một nhu cầu cấp bách là giải quyết khâu cuối cùng của bệnh đau mắt hột, nguyên nhân nhiễm khuẩn hàng đầu gây ra bệnh mù mắt, đó là việc lấy lông quặm. Chúng ta đã tiến được những bước dài trên con đường ngăn ngừa căn bệnh này; tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp chưa được điều trị sớm. Khi bị nhiễm khuẩn nhiều lần và để lại sẹo trên mi mắt, lông mi bị mọc ngược và đâm vào giác mạc, cuối cùng sẽ khiến cho bệnh nhân bị mù. Có một thủ thuật đơn giản mà chỉ cần một y tá được đào tạo bài bản là có thể thực hiện được– đó là lật các lông mi lại để ngăn ngừa các tổn thương nặng hơn. Trong khi tôi cẩn thận quan sát ca phẫu thuật mi mắt, các bệnh nhân đi ra với tâm trạng vô cùng nhẹ nhõm. Một phụ nữ ở Burkina Faso có hai mắt được phẫu thuật đã nói với tôi: “Trước đây tôi nhìn không được rõ nhưng bây giờ thì tôi đã nhìn rất rõ. Tất cả những ai bị bệnh này thì nên đi mổ ngay.” Việc dùng thuốc một cách thái quá đôi khi khiến cho khâu kiểm soát bệnh đau mắt hột bị bỏ qua. Điều quan trọng là các chương trình cần phải phải hành động để ngăn ngừa bệnh mù mắt do hậu quả của việc đau mắt hột để lại cả về trung hạn và dài hạn.  

Cập nhật: 14/10/2013
Lượt xem: 6956
Lên trên
Đánh giá dinh dưỡng
( Cho người trưởng thành )
Cân nặng
kg
Chiều cao
m
Kết quả B.M.I
Đánh giá
Mặt trời bé thơ - Viện Dinh dưỡng (NIN)
Địa chỉ: 48B, Tăng Bạt Hổ, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: (84-4) 3971 7090 - Fax : (84-4) 3971 7885 - Email: ninvietnam@viendinhduong.vn
© 2011 mattroibetho.vn. Số đăng ký 180/GP-TTĐT. Cấp ngày 10/10/2011 - Thiết kế website bởi BICWeb.vn™